Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC. Dự thảo Thông tư này đưa ra định nghĩa cũng như các quy định cho giao dịch bán khống có bảo đảm.
Theo đó, đây là là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.
Tài khoản giao dịch bán khống có bảo đảm là tài khoản riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản. Các chứng khoán được phép giao dịch bán khống có bảo đảm là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán. Trên cơ sở tiêu chí do Ủy ban Chứng khoán quy định, Sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch bán khống có bảo đảm hoặc chứng khoán không được giao dịch bán khống có bảo đảm.
Hợp đồng giao dịch vay chứng khoán tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.
Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán có thể yêu cầu các công ty chứng khoán tạm ngừng thực hiện hoạt động giao dịch bán khống có bảo đảm.
Ủy ban chứng khoán nhà nước ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch bán khống có bảo đảm sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.
Trước đó, tại một sự kiến vào cuối tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ thị trường chứng khoán sẽ bước vào giai đoạn mới với nhiều điểm mới như luật mới, sở giao dịch mới, hệ thống giao dịch mới, các tổ chức mới như Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, tổng công ty lưu ký...
Ông Dũng cũng cho biết Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) sẽ trở thành Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với các nền tảng đảm nhiệm nhiều chức năng mới như đăng ký giao dịch đảm bảo, chứng khoán chờ về trong ngày...
Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn chia sẻ cùng với luật chứng khoán mới, hạ tầng công nghệ thông tin sắp được hoàn thiện, các cơ quan quản lý sẽ có nền tảng mới để đưa ra thêm các sản phẩm cho thị trường và rút ngắn một số cơ chế đã xây dựng pháp lý từ trước.